Được bình chọn là điểm đến thu hút nhất không thể bỏ qua, Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt mang dấu ấn rất riêng với không khí thiền tĩnh yên bình, hòa quyện với không gian cỏ cây hoa lá đầy sinh khí, khiến bất kỳ ai đến đây đều có thể thanh lọc tâm hồn, tạm buông bỏ những muộn phiền để tận hưởng cuộc sống.
Nói về sự ra đời của Thiền viện phải kể đến trong một đêm của năm 1986, ngài Thích Thanh Từ có một giấc mộng đẹp, mơ thấy mình ôm cổ một con chim phụng hoàng bay lên trời cao. Tỉnh dậy, chiêm nghiệm, ngài thấy Đà Lạt là nơi thanh mát, thích hợp chúng tăng ni tu tập. Và sơ đồ phác họa Thiền viện ra đời vài ngày sau đó khi ngài đi khảo sát núi Phụng Hoàng.
Thiền viện Trúc Lâm gồm 4 khu vực chính là: Khu vực ngoại viện, khu tịnh thất hòa thượng, hòa thượng viện trưởng, khu nội viện tăng và khu nội viện ni. Bên cạnh đó còn có các tiểu cảnh ấn tượng, kiến trúc đẹp như chính điện với tượng "Phật Thích Ca Niêm Hoa Vi Tiếu", lầu chuông có đại hồng chuông 1,1 tấn, vườn hoa với nhiều chủng loài quý hiếm được sưu tầm từ khắp nơi trong nước và quốc tế.
Thông tin liên hệ Thiền viện Trúc Lâm:
Ngoài du lịch tâm linh, hành hương, chiêm bái cầu bình an thì Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt còn chiếm cảm tình của du khách bởi kiến trúc ấn tượng, cảnh quan xinh đẹp và không khí yên tĩnh, lắng đọng hiếm có.
Chánh Điện Thiền viện Trúc Lâm có bức tượng “Phật Thích Ca Niêm Hoa Vi Tiếu” cao 2 mét, tay phải cầm cành sen. Bên phải chánh điện có tượng đức phật Văn Thù cưỡi sư tử. Phía bên trái của chính điện thờ tượng của Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi voi màu 6 ngà màu trắng.
Xung quanh chính điện có những bức phù điêu là hình của 8 vị tướng thị hiện của Đức Phật và các bao lam. Trần mái của chánh điện được lợp bằng mái ngói men sáng, uốn cong thanh thoát mang nét kiến trúc của Việt Nam và phong thái của chốn Thiền môn.
Gác trống nằm bên trái ngoài sân chính điện và lầu chuông nằm bên phải được xây dựng với lối kiến trúc đẹp, nhiều hoa văn điêu khắc tỉ mỉ, tinh xảo. Đặc biệt lầu chuông có hồng chuông nặng 1,1 tấn được đúc ở Huế.
Ấn tượng với du khách nhiều nhất chính là vườn hoa phía trước chính điện Thiền viện Trúc Lâm. Nơi đây trồng nhiều loại hoa quý hiếm, xinh đẹp, nở suốt 4 mùa như thiên điểu, sim Úc, phù dung…
Từ cổng chính điện, bước vài bước bạn đã có thể ngắm nhìn toàn cảnh hồ Tuyền Lâm xinh đẹp, đi 140 bậc tam cấp xuống hồ, bạn sẽ đi qua những hàng thông xanh, những khóm hoa dại, cảnh vật yên bình hiếm nơi nào có được.
Hồ nhân tạo này cũng ở trước chính điện, ngay trên đường đi xuống hồ Tuyền Lâm, nuôi cá và rùa với mặt nước xanh yên tĩnh, càng tăng nét cổ kính, thanh đạm chốn Thiền môn.
Bên cạnh đó Thiền viện còn có khu tháp thờ Xá Lợi, khu ngũ lầu thờ tượng phật Thích Ca được làm từ ngọc bích và vàng do các phật tử Thái Lan dâng tặng.
Để đến Thiền viện Trúc Lâm, du khách có thể chọn xe máy, ô tô hoặc taxi để đến núi, sau đó có thể chọn 3 cách chính để lên Thiền viện:
Nếu du khách tự đi xe máy hoặc lái ô tô từ trung tâm thành phố Đà Lạt đến Thiền viện Trúc Lâm có thể đi theo hướng dẫn đường đi tại đây. Đường đến Thiền viện rất dễ đi, đường khá đẹp và êm.
Hiện Thiền viện có khu vực nhà khách và khu nội viện ni dành cho người tu tập, muốn nghe giảng thiền. Nếu bạn có nhu cầu tìm hiểu thêm về Thiền hoặc muốn ở lại chiêm bái lâu hơn, bạn có thể xin ở lại Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt nếu được sự đồng ý của trụ trì nhé. Bạn có thể liên hệ bày tỏ nguyện vọng xin ở lại trực tiếp khi đến Thiền viện hoặc gọi số điện thoại 0263 3827 565 để được sắp xếp.
Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt mang đến sự yên bình trong tâm hồn, cảm nhận tới đâu và như thế nào là do mỗi người. Tốt nhất, bạn nên tự mình đến đây, đi qua những bậc thang xuyên qua rừng thông, bỏ lại muộn phiền dưới mặt hồ phía sau và tự trải nghiệm xem nơi đây có thực sự an yên như bao người vẫn nói không nhé!
Nguồn ảnh: Internet
Lợi Lợi (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc